Cây mai vàng là cây truyền thống với sự quyến rũ, hòa hợp với cộng đồng dân tộc ta từ bao đời nay, do vậy từ đô thị đến làng quê xa xôi hẻo lánh đâu đâu cũng có, nhà nhà nuôi trồng, người người sử dụng, hiện nay cây mai đã trở thành báu vật may mắn, thân thiết trong mọi gia đình ngày tết.
Cây mai ở rừng hoặc cây mai mọc trong vườn, chẳng có ai quan tâm cũng vẫn phát triển, nhưng cây mai trồng làm kiểng trong sân nhà, trong chậu là phải chăm sóc. Vào mùa xuân thì dễ, nhưng vào mùa mưa và thời tiết bất thường thì phải chăm sóc, xử lý ra sao?
Sau mỗi cơn mưa to, nên xem xét cây mai có bị ngập nước không? Ai cũng biết cây mai bị úng nước có thể chết, do bộ rễ cám bị hư không hấp thu được oxy, nhất là cây mai kiểng trồng trong chậu.
Xem thêm Kỹ thuật trồng mai vàng , quy trình, khoảng cách được chia sẻ bởi chuyên gia
Muốn đề phòng úng nước (nếu trồng trong chậu), sau cơn mưa ta phải kiểm tra lỗ thoát nước nếu quá nhỏ ta phải đục thêm lỗ thoát nước cho to, đủ sức rút hết nước. Trường hợp mai trồng sẵn trong chậu mua về, thấy nước ứ đọng thì phải coi chừng, lâu quá cây mai sẽ chết. Có hai nguyên nhân cây mai bị úng nước:
1. Do lỗ thoát nước quá nhỏ, bị đất làm nghẹt không thoát nước được. Trong trường hợp này phải lật nghiêng chậu xuống để đục thêm lổ dưới đáy chậu, phải thao tác thật nhẹ, đục xéo cho mẻ từng miếng nhỏ, đừng đục mạnh quá sẽ làm nứt, bể chậu.
2. Do cây trồng quá lâu năm trong chậu, bộ rễ ra nhiều bít kín lỗ thoát nước. Trường hợp này phải lật chậu xuống cắt bỏ hết phần rễ lú ra ngoài và thông lỗ thoát nước.
Tìm hiểu thêm Chuyên gia hướng dẫn cách chăm mai ngày tết
Nói chung việc chăm sóc cây mai để chuẩn bị cho hoa nở đúng ngày tết khi gặp thời tiết bất thường “không dễ ăn chút nào”. Cây mai nở được hoa đẹp thường phụ thuộc những yếu tố khách quan, cho nên ta phải can thiệp nhất là về giai đoạn cuối năm khi mà thời tiết, nhiệt độ bất thường ảnh hưởng đến kỳ nở hoa của chúng. Vậy ta phải xem lịch và theo dõi dự báo thủy văn của nha khí tượng ở mỗi vùng. Nếu thấy trời mây quang đãng, ấm áp là tiết lập xuân sớm thì hoa sẽ nở sớm, trời mây u ám rét buốt nhiều, lập xuân muộn thì hoa nở muộn. Đây là điều cốt lõi ta cần quan tâm để biết lặt lá mai vào ngày nào để hoa nở đúng tết. Thông thường người ta chọn ngày 16/12 âm lịch để lặt lá mai nếu khí hậu bình thường. Nhưng trước khi lặt lá ta phải xem nút ở nách lá nhỏ hay lớn, nếu nhỏ lặt sớm, lớn lặt trễ. Còn thời tiết lạnh kéo dài thì lặt sớm hơn nút nách lá còn nhỏ. Ngoài ra người ta còn kết hợp yếu tố khác để tác động cho cây mai trổ nhanh hoặc chậm. Nếu trổ chậm tăng nước tưới, trổ nhanh thì giảm nước tưới, để tránh tình trạng thất vọng đành phải để cây mai ở lại vườn năm sau.
Xem thêm Hướng dẫn kỹ thuật uốn tạo dáng mai vàng từ nhỏ đẹp nhất
Giữ lá mai không rụng thì phải thường xuyên tưới nước đừng để cho lá mai héo, khô rụng sớm. Khi rụng lá, cây mai sẽ ra hoa. Nếu vào thời điểm này mà cây mai ra hoa, thì đến tết cây mai sẽ ít hoa. Cho nên quan trọng là giữ gìn làm sao cho lá mới đừng rụng sớm. Phải xem chừng thấy đất dưới gốc mai khô thì phải tưới.
Gần đến tết, vào tháng 10 âm lịch phải giảm nước tưới để cho cây mai lá già và bón thêm phân vô cơ như: Lân, Kali để kích thích cho cây mai ra nhiều hoa chưng trong ngày tết được lâu tàn